Học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định, đã tự tìm hiểu và áp dụng kiến thức trên lớp vào thực tế để trồng vườn rau sạch trên sân thượng của tòa nhà.
Qua một thời gian ngắn được áp dụng mô hình giáo dục STEM, học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong đã có những sáng tạo mới lạ, có thể giải quyết một số vấn đề thường gặp trong cuộc sống.
Từ những ngày đầu thực hiện dự án “Biến tầng thượng nhà trường thành vườn rau sạch”, học sinh trong câu lạc bộ STEM được chia làm ba nhóm: Chuyên gia, thiết kế và truyền thông, thị trường.
Việc đầu tiên của nhóm truyền thông là nghiên cứu về nhu cầu dùng rau sạch ngoài chợ. Học sinh sẽ chọn những khu chợ gần trường và đi khảo sát những mặt hàng rau phổ biến, giá cả, lợi nhuận cũng như nhu cầu rau sạch của mọi người.
Những thông tin khảo sát của nhóm truyền thông, thị trường sẽ được cung cấp cho nhóm chuyên gia tham khảo và quyết định trồng giống rau gì. Các bạn cùng nhau thảo luận về đặc tính của loại rau nào sẽ phù hợp nhiệt độ, thời tiết của nước ta, đem lại kết quả tốt nhất.
Nguyễn Phương Thảo, học sinh trong nhóm thiết kế, cho biết: “Chúng mình sử dụng một chiếc gậy và điện thoại có la bàn để đo bóng nắng, sau đó sẽ thiết kế giàn mái che phù hợp bảo vệ rau”.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức những chuyến đi thực tế đến Trung tâm giống cây trồng Nam Định để học sinh được tiếp xúc các sản phẩm sạch và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các em sẽ được rèn luyện thêm kỹ năng sống.
Từ những chuyến đi thực tế, nhóm học sinh đã tích lũy được nhiều kiến thức bổ ích áp dụng vào dự án trồng rau sạch của mình. Trong quá trình thực hiện, các bạn cũng gặp không ít khó khăn và cần đến sự giúp đỡ, tư vấn từ chuyên gia, thầy cô giáo trong trường.
“Trên lý thuyết, chỉ cần có đất và giống cây trồng sẽ có được rau, nhưng khi làm thực tế, học sinh sẽ thấy còn nhiều yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến cây trồng và cần phải tìm cách khắc phục”, cô giáo Đinh Thị Hồng Tươi chia sẻ.
Dự án vườn rau trên sân thượng nhà trường là sản phẩm của phương pháp giáo dục STEM. Điều quan trọng, với “nông trại” này không chỉ đơn thuần giúp học sinh học tập mà còn là môi trường để các em được trải nghiệm thực tế.
Bà Lê Thị Phương Dung, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định, cho biết: “Học STEM sẽ giúp học sinh vận dụng những kiến thức được học để giải quyết tình huống thực tiễn. Qua đó, các em sẽ chủ động tiếp nhận kiến thức hơn”.
Thông qua dự án này, học sinh không chỉ phát triển các kỹ năng cần thiết mà các bạn còn biết quý trọng sản phẩm do mình làm ra. Mô hình trồng rau sạch trong trường học là một hình thức giáo dục mang lại nhiều giá trị thiết thực, ý nghĩa, rất đáng được nhân rộng.