Hai năm trở lại đây, mô hình trồng rau sạch trong trường học đã được triển khai tại nhiều trường trên địa bàn TPHCM. Ngoài ý nghĩa giáo dục cho học sinh kỹ năng sống, giúp các em biết quý trọng thành quả lao động do mình và người khác làm ra, nguồn rau sạch do chính tay học sinh vun trồng còn được đưa vào sử dụng trong bữa ăn bán trú, góp phần giải quyết lo ngại về an toàn thực phẩm trong trường học.
Từ rau trồng thủ công…
Một trong những đơn vị khởi xướng mô hình trồng rau sạch đầu tiên là Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1). Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào thực hiện, nhiều phụ huynh vẫn chưa hết ngạc nhiên, bởi ngôi trường có diện tích sân bãi khá hạn chế, giờ ra chơi học sinh phải sinh hoạt ở cả hành lang, lại “dũng cảm” triển khai mô hình vốn cần nhiều không gian và đất sạch. Sau 2 năm thực hiện, hơn 400m2 ở tầng thượng đã được học sinh và giáo viên “hô biến” thành những luống rau xanh mát. Công trình do ban đại diện cha mẹ học sinh hỗ trợ về mặt kinh phí. Giáo viên là người hỗ trợ, giúp đỡ học sinh kỹ năng, kiến thức gieo trồng.
Theo đó, học sinh mỗi lớp sẽ là người phụ trách gian rau của lớp mình, lớp nhỏ được 8 thùng xốp, lớp lớn được 18 thùng. Từ việc xới đất, gieo hạt, tưới cây đến chăm sóc, vun trồng, các em đều tự tay thực hiện. Sau khi có rau thành phẩm, các lớp sẽ tổ chức thu hoạch theo từng đợt, tập hợp lại mở phiên chợ bán rau sạch cho phụ huynh. Từ một số loại rau dễ trồng ban đầu như cải mầm, rau muống, giá sạch, đến nay vườn rau của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có thêm nhiều loại mới như cải bẹ xanh, cải ngọt, rau mồng tơi, giúp học sinh mở rộng thêm kiến thức về đặc điểm phát triển của các loại rau, cũng như hiểu rõ cách chăm sóc, vun trồng từng loại cây, qua đó góp phần hình thình thói quen bổ sung rau hoa quả trái cây, hoa tươi https://1900flowers.net vào thực đơn ăn uống của gia đình.
Ở độ tuổi lớn hơn, học sinh Trường THCS – THPT Hồng Hà (quận Gò Vấp) lại được thao tác như những người nông dân thực thụ tại khu nông trại rộng trên 3ha do nhà trường đầu tư tại huyện Bình Chánh. Nông trại được xây dựng theo mô hình trang trại hữu cơ (không dùng bất kỳ sản phẩm hóa học nào trong chăn nuôi, trồng trọt), nhằm mục đích cung cấp thức ăn sạch cho toàn trường, tạo môi trường hoàn toàn tự nhiên và an toàn cho học sinh đến tham quan và học tập. Tại đây, các em sẽ được hướng dẫn cách làm vườn, cũng như được cung cấp nhiều thông tin hữu ích như rau mồng tơi trồng bao nhiêu ngày thì có thể thu hoạch, có mấy cách thu hoạch rau muống, nồng độ pH của nước bao nhiêu để phù hợp với từng loại cây. Tuy “học mà chơi, chơi mà học” nhưng đây chính là những giờ học ngoại khóa hết sức bổ ích, giúp học sinh có thêm cơ hội ôn tập lại kiến thức các môn khoa học tự nhiên, đồng thời học cách làm việc nhóm, biết phối hợp, chia sẻ công việc với tập thể, xử lý những vấn đề bất thường như chăm sóc rau trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, phối giống tạo ra những loại cây trồng mới…
…đến ứng dụng phương tiện khoa học kỹ thuật
Với diện tích gần 50m2 của khu vực sân thượng, giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4) vào cuối tháng 10-2016 đã cho ra đời mô hình “Vườn rau, ao cá trong nhà kính”. Đây là trường tiểu học đầu tiên trên địa bàn TPHCM thực hiện mô hình trồng rau, nuôi cá có kết hợp các thiết bị hỗ trợ kỹ thuật, giúp sản lượng rau thành phẩm được thu hoạch nhiều và đều đặn hơn. Ngoài ra, nhờ nuôi trồng tuân thủ theo quy trình khép kín nên độ an toàn và dinh dưỡng được bảo đảm ở mức cao hơn. Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, cho biết: “Trước đây trường đã tổ chức cho học sinh trải nghiệm mô hình trồng rau sạch trên sân thượng bằng các phương pháp nuôi trồng tự nhiên, thủ công, hiệu quả mang lại cũng rất khả quan. Tuy nhiên, nhờ sự tài trợ của một doanh nghiệp, với mô hình nuôi trồng trong nhà kính, việc trồng rau, nuôi cá đã chuyên nghiệp hơn nhờ hệ thống thiết bị, máy móc tưới tiêu tự động”. Theo quan sát của chúng tôi, công việc của học sinh bây giờ không chỉ gói gọn ở những thao tác tưới nước, bắt sâu cho rau đơn thuần như trước nữa, mà các em đã tiến đến học cách nuôi trồng như một nhà khoa học thực thụ, biết tìm hiểu và sử dụng thuần thục các loại máy móc hỗ trợ, tiếp cận công nghệ mới về kỹ thuật nuôi trồng.
Học sinh trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi trải nghiệm trồng cây với mô hình STEM – VINAPONICS tại trường
Phát biểu tại lễ khánh thành Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học trong nhà trường phổ thông của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo TPHCM, đánh giá cao nỗ lực của những người tổ chức trong việc đưa khái niệm “nghiên cứu khoa học” trở nên nhẹ nhàng, gần gũi với học sinh. Thông qua mô hình trồng rau sạch, học sinh còn được giáo dục ý thức về bảo vệ môi trường, thỏa niềm đam mê ham tìm tòi, khám phá. Ngoài ra, theo thừa nhận của nhiều đơn vị, chính sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm trong việc triển khai mô hình mới đã giúp hoạt động giảng dạy ở trường học trở nên phong phú, qua đó tăng thêm hứng thú cho học sinh. Tuy nhiên, để hoạt động được mở rộng thêm ở nhiều trường học trên địa bàn các quận, huyện, vẫn cần sự chung tay, góp sức của phụ huynh, cũng như sự ủng hộ, tài trợ về mặt kinh phí, kỹ thuật của các doanh nghiệp trong xã hội.
(Theo SGGP)